Home » Trật Tự Xã Hội
Thứ Tư, 23 tháng 1, 2013
Thâm nhập đường dây chăn dắt, hành hạ trẻ em
Nắng cũng như mưa, bất kể ngày thường hay lễ tết, những đôi bàn chân nhỏ xíu phải lang thang từ khi chạng vạng đến lúc gần sáng bán những giỏ hoa tươi mang tiền về vỗ béo cho những kẻ chăn dắt vô lương tâm. Mỗi khi ế ẩm, các em bị bọn chúng hành hạ, đánh đập dã man như thời trung cổ. Sau nhiều đêm thức trắng đồng hành cùng các em nhỏ, chúng tôi đã phát hiện sự thật kinh hoàng, lật tẩy bộ mặt thật của những kẻ táng tận lương tâm, buộc chúng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về hành vi man rợ.
Kỳ 1: SỰ THẬT KINH HOÀNG Đêm cuối năm, trong lần lang thang tại địa bàn trung tâm thành phố để thu thập tài liệu viết bài, tình cờ ghé quán nước vỉa hè trên đường Bùi Viện, chúng tôi thấy cậu bé chừng 10 tuổi, khuôn mặt sáng sủa liến thoắng mời chào khách mua hoa tươi. Chúng tôi chưa kịp từ chối thì thấy cậu bé đưa tay lên đầu vò tóc, cả 10 đầu ngón tay em đều sưng vù, rỉ máu, nước vàng chảy ra bốc mùi hôi khó chịu. Tôi liền mua một bó bông rồi hỏi, thì cậu bé bảo là bị bỏng rồi lủi đi trong nháy mắt... Thấy chúng tôi thắc mắc, chị chủ quán nước rỉ tai: “Thằng bé bị những kẻ chăn dắt hành hạ đó, ngoài nó ra còn có cả mấy đứa kia cũng bị ăn đòn vì không bán được bông”. Được sự giúp đỡ của chị Kiều - chủ quán, tôi đã vào vai nhân viên phụ quán để dễ bề tiếp cận lũ trẻ. Khi thành phố lên đèn, mọi người hối hả tìm về tổ ấm, quây quần bên mâm cơm gia đình thì cũng là lúc những đứa trẻ bắt đầu tất tả trên con đường mưu sinh để mang tiền về cho chủ chăn dắt. Bé Liên bán hoa giữa đêm khuya Câu chuyện còn đang dở thì Liên bảo phải đi bán, nếu bà chủ thấy la cà sẽ cho ăn đòn. Hơn một giờ sau, cậu bé bán hoa hôm trước xuất hiện, chúng tôi nhờ chị chủ quán gọi vào để làm quen. Lúc đầu cậu bé cũng lảng tránh, nhưng khi biết chúng tôi là người phụ quán của chị Kiều, cậu bé yên tâm hơn. Cậu cho biết mình tên Nam, 12 tuổi, quê ở Huế. Lát sau, các bạn của Nam là Dĩnh và Dũng cũng lần lượt ghé vào. Chúng tôi chủ động làm quen và hỏi han thân tình nên bọn nhỏ cũng không còn e ngại. Dũng và mười đầu ngón tay bầm dập sau khi bị ông Châu hành hạ Chúng tôi gặng hỏi thì Nam bảo phải đi bán hoa, không có thời gian nói chuyện, ghé đây lâu bà chủ mà biết sẽ đánh đòn. Thế nên để Nam có thời gian ngồi lại, chúng tôi phải mua hết số hoa để em yên tâm. Mới 12 tuổi nhưng Nam đã có thâm niên gần ba năm bán bông ở khu vực này, mọi hang cùng ngõ hẻm ở đây Nam đều thuộc như lòng bàn tay. Thấy chúng tôi tỏ ra thân tình, lát sau Nam mới thủ thỉ: “Lúc mới vào đây, không chịu nổi cảnh đối xử tàn nhẫn của ông bà chủ, thừa lúc đi bán bông con đã tìm cách bỏ trốn, nhưng lang thang mãi cũng sợ. Con nhớ cha mẹ và gia đình nhưng không biết nhà mình ở đâu nên đành quay lại...!”. Có lẽ em xa nhà đã quá lâu nên không còn nhớ mình mang họ gì, chỉ biết mình tên Nam. Mười đầu ngón tay thâm đen, ứa nước vàng, mỗi lúc ngứa ngáy, em lại đưa cả cánh tay lên đầu cọ cọ, xoa xoa. Chứng kiến cảnh tượng này, chúng tôi thấy cay xè nơi khóe mắt. - Tay con bị làm sao mà đến nông nỗi này? Nam cúi mặt hồi lâu rồi mới lí nhí: - Bị ông chủ tên Châu, chồng bà Hồng đốt thuốc lá rồi châm vào mười đầu ngón tay. - Tại sao con bị ông chủ hành hạ, những đứa khác có bị đánh như con không? - Chỉ có hai anh em thằng Dĩnh bán đắt hàng nên đỡ bị ăn đòn, còn con và thằng Dũng mỗi khi bán ế đều bị đánh, hành hạ. - Thế sao lúc ông ấy lấy thuốc lá dí vào các đầu ngón tay, con không la lớn? - Bọn con đau lắm nhưng không dám khóc, ông ta bảo tụi mày mà khóc, hàng xóm nghe thấy tao đánh chết không còn đường về... Rồi Nam nắm tay tôi năn nỉ: “Cô có cách gì cứu tụi con không, con sợ bị ăn đòn và bị dí đầu thuốc lá vào tay lắm”. Nói rồi Nam lấy tay gạt nước mắt. Hồi sau, Nam mới tiếp: “Mấy tháng trước, có lần gặp trời mưa nên con chẳng bán được hoa, loanh quanh mãi không dám về vì sợ bị ăn đòn. Khi con đang ngồi ở vỉa hè thì bị bà chủ phát hiện tóm lên xe. Về đến nhà trọ bà bạt tai con túi bụi, thấy cái chày đâm tỏi ở kệ bếp, bà ấy lấy đập liên tiếp vào mặt. Hôm sau mắt con đỏ ngầu, mặt sưng vù nhưng bà ấy vẫn quăng cho cả bó bông bảo phải đi bán hết, nếu không đừng có trách”. Hai bàn tay Nam thâm tím ứa máu cùng với vết thương trên mặt Dũng có vẻ khó gần hơn Nam, nhưng sau vài lần chúng tôi hỏi han, em cũng tỏ ra rất thân thiện. Cũng giống như Nam, mười đầu ngón tay Dũng đỏ ửng, nước vàng và máu cứ chảy ra, những chiếc móng đang dần hoại tử muốn bung rời, bốc mùi khó chịu. Ngồi trò chuyện với chúng tôi, thỉnh thoảng Dũng lại đưa tay lên thổi. Chúng tôi hỏi thì Dũng bảo đau lắm cô ơi, nhất là những lúc tắm rửa, vết thương lại chảy máu. Ngày nào về nhà cũng gần bốn giờ sáng, con phải lấy nước muối rửa nên xót và đau lắm. Nhìn cậu bé đau đớn, thương tình chị Kiều vội chạy đi mua thuốc, chúng tôi ép mãi Dũng mới uống nhưng dứt khoát không chịu bôi thuốc vì sợ bị chủ phát hiện sẽ đánh. Chị Kiều bức xúc: “Sao trên đời lại có kẻ ăn ở ác độc, vô lương tâm đến vậy, họ cũng có con mà sao không có trái tim của người làm cha làm mẹ. Mình là người lớn mà nhiều khi bị vật gì nặng rơi vào đầu ngón tay đã đau điếng, không chịu nổi. Nhìn bàn tay bọn trẻ, tôi như muốn đứt từng khúc ruột”. Chúng tôi hỏi: “Giờ con mong muốn điều gì?”. Chẳng cần suy nghĩ, Dũng đáp ngay: “Con muốn về quê lắm, dù nhà nghèo, ăn cơm muối, cháo trắng nhưng không bị cha mẹ đánh bao giờ”. Vừa được vị khách ngoại quốc cho tiền, Liên mừng chạy về khoe với chúng tôi: “Nhiều ngày lễ con bán được cả triệu tư đến triệu rưỡi đồng tiền hoa/ngày, thường thì cũng được sáu đến bảy trăm ngàn. Nhưng cũng có lần chở con ra đường Nguyễn Thị Thập bảo vào quán nhậu bán bông, dù đã mời chào mỏi miệng nhưng chẳng ai mua, tưởng con mải chơi không chịu bán, bà Hồng dùng tay đấm vào mặt làm mắt con tím bầm”. Dường như không kìm nén được sự tủi hờn, uất ức bấy lâu nay, nước mắt trào ra giàn giụa, Liên nghẹn ngào: “Con hận vợ chồng bà ta, ông Châu ăn ở ác lắm; khi thằng Dũng bán hoa không được ông ta bắt quỳ lên vỏ quả sầu riêng, còn thằng Nam thì ông lấy muối hạt trải ra đất, bắt quỳ xuống, hai tay bưng chậu nước cả chục ký dơ thẳng lên đến khi nào ông ấy cho phép mới được hạ xuống. Thấy mấy đứa nó bị ăn đòn liên tục, con thương tụi nó nhưng chẳng dám hé răng kể với ai, vì ở ngoài quê còn có người nhà bà ấy, con sợ họ trả thù”, nói rồi cô bé lại nấc lên ầng ậc. Gạt những dòng nước mắt, Liên lại lê bước tiếp tục mời khách mua bông. Nhìn bóng dáng Liên khuất dần trong bóng đèn đường nhạt nhòa, chúng tôi chợt chạnh lòng nhớ đến ca khúc “Đứa bé” của nhạc sĩ Minh Khang. “Trong đêm một bàn chân bước. Bé xíu lang thang trên đường. Ánh mắt buồn mệt nhoài của em. Em rất buồn vì em không biết đi, đi về đâu?... Đã lâu rồi em đã không, không có tình thương. Nhìn thấy ai ai cũng đều vui bên mẹ cha. Giot lệ em tuôn rơi hòa tan với nỗi buồn. Bước đi trong chiều mưa”... (Còn tiếp) | ||
THANH HUYỀN(CATP) |
You may also...
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét